Tình thương nghiêng lệch

Âm báo chờ cuộc gọi điện thoại vang rất lâu vẫn không có người nhận. Sự chờ đợi ngột ngạt kéo dài đến tận khi Trình Tuyết Lê sử dụng hết chút can đảm vừa tích góp được. Cô chần chừ một lúc rồi cuối cùng quyết định đưa ngón tay đến định bấm ngắt cuộc gọi.

 

Có tiếng lao xao rồi sau đó là một giọng phụ nữ thản nhiên:

 

- A lô, ai đấy?

 

Tiếng trả lời nghẹn trong cổ họng, Trình Tuyết Lê mấp máy môi mãi mà vẫn không thốt được âm thanh nào.

 

- Tôi hỏi ai đấy? Sao không trả lời?

 

Hiển nhiên người kia đã bắt đầu tức giận.

 

- Còn không lên tiếng là tôi cúp máy đấy! Thời nào rồi mà còn chơi mấy trò phá rối trẻ con này?

 

Có tiếng đồ đạc lộp cộp rồi sau đó là tiếng lầm bầm khó chịu, Trình Tuyết Lê vội vàng bật lên một câu thảng thốt:

 

- Mẹ! Đừng... cúp máy, xin mẹ!

 

Đầu bên kia lặng đi một lúc lâu, vài giây sau mới hỏi lại:

 

- Ai, ai đấy? Tuyết... Lê?

 

- Vâng, con đây!

 

Tuyết Lê che miệng ngăn tiếng khóc bật ra khỏi cổ họng. Bên kia cũng vang lên tiếng thở nặng nề, sau đó người phụ nữ kia lại cất giọng bình thản:

 

- Cô gọi để làm gì? Lần trước tôi đã nói với cô rất rõ ràng rồi, chuyện đó không có cửa để thương lượng.

 

- Nhưng mà... mẹ, dù sao nó cũng là cháu ruột của mẹ.

 

Người được Trình Tuyết Lê gọi là mẹ kia gắt lên:

 

- Tôi chưa từng cần nó. Cũng từng bảo rằng sẽ không bao giờ cần nó. Là do cô lì lợm muốn sinh nó ra!

 

Điện thoại vang lên tiếng thở hổn hển của bà ấy, dường như sắp tức giận đến mức thở không nổi:

 

- Cô thừa biết người tạo ra nó đã gây nên tội lỗi tày đình gì với cái nhà này, với tôi và cả cô mà. Sao cứ cứng đầu cứng cổ muốn sinh nó ra?

 

Nước mắt rơi ướt đẫm bàn tay đang che miệng, Trình Tuyết Lê nức nở hỏi một câu:

 

- Mẹ căm hận nó như thế là vì ba của nó đã gây ra tội lỗi với con, hay là không thể chấp nhận nó bởi vì anh ấy đã gây ra tội lỗi đối với chị Tuyết Linh? Mẹ là vì con hay là vì chị ấy?

 

 Nghe nhắc đến tên một cô gái khác, dường như người phụ nữ kia càng thêm mất khống chế. Bà ta gào lên qua ống nghe điện thoại:

 

- Không được nhắc tới nó! Cô không có tư cách nhắc đến Tuyết Linh của tôi! Cô nhìn lại xem những việc mình làm, có cái nào là xứng đáng với Tuyết Linh, với tình cảm mà nó dành cho cô mười mấy năm không?

 

Đôi bên đều chìm trong nước mắt không thể tiếp tục cuộc nói chuyện này nữa. Trình Tuyết Lê hít sâu một hơi rồi nói vội vàng:

 

- Dù nói thế nào đi nữa con vẫn là con gái ruột của mẹ. Mẹ coi như con xin mẹ một ân huệ cuối cùng. Chủ nhật này con sẽ dẫn con gái con về gặp mẹ. Mẹ cứ gặp nó một lần, chuyện sau này mẹ quyết định thế nào con cũng xin chấp nhận.

 

Tuyết Lê cúp điện thoại, cắt ngang tràng chửi rủa của người phụ nữ cô gọi là mẹ.

 

Nếu như không phải hoàn cảnh hiện tại đã lâm đến bước đường cùng không thể xoay sở, Trình Tuyết Lê cũng sẽ không bao giờ bấm vào dãy số quen thuộc nằm lòng đó.

 

 Lần cuối cùng chạm mặt giữa cô và mẹ ruột xem như đã đi đến bước từ mặt nhau. Sáu năm trời trôi qua, cô vẫn chưa một lần quay trở lại ngôi nhà đó. Về nhà để làm gì khi cô phải đối mặt với những ánh mắt phán xét và những lời cay nghiệt mà mẹ ruột của cô dành cho con gái mình.

 

Bà Đỗ Thu Sương xưa kia có hai cô con gái. Trình Tuyết Lê là đứa con gái nhỏ của bà, cô gái có tên Trình Tuyết Linh kia chính là con gái lớn.

 

Theo lẽ thường, những đứa con bé bỏng nhất trong nhà sẽ thừa hưởng tình yêu thương nhiều nhất, nhưng đối với bà Đỗ Thu Sương thì ngược lại.

 

Từ thuở ấu thơ khi bắt đầu hiểu biết mọi chuyện, Trình Tuyết Lê đã nhạy cảm nhận ra tình cảm mẹ dành cho cô không bằng một góc so với chị gái.

 

 Nhưng Trình Tuyết Lê lại là một đứa trẻ cực kỳ hiểu chuyện. Mặc dù nhận ra cán cân tình thương của mẹ lệch lạc về một phía, cô lại tìm đủ mọi lý do để bào chữa cho sự thiếu công bằng đó.

 

Khi còn trên ghế nhà trường, chị gái được học trường tư đắt đỏ với chi phí kếch xù hàng năm, còn Trình Tuyết Lê chỉ được học trường công, hoàn toàn không được hưởng những đặc quyền giống như chị gái.

 

Mặc dù cô bé Trình Tuyết Lê có đôi khi chạnh lòng, nhưng vẫn tự bảo mình rằng là do hoàn cảnh gia đình cô bé bây giờ không còn khá giả như lúc trước, mẹ không thể cho cả hai đứa con gái một cuộc sống an nhàn sung sướng như trước nữa.

 

Bởi vì năm Trình Tuyết Lê 8 tuổi, bố cô do làm ăn thất bại nợ nần chồng chất đã lựa chọn kết liễu cuộc đời từ trên sân thượng tầng 30.

 

 Bố mất, gia đình lâm vào tình trạng khánh kiệt. Sau khi thanh toán hết nợ nần, Trình Tuyết Lê cùng chị và mẹ phải dọn ra khỏi căn nhà xa hoa tráng lệ mình đã sinh sống từ lúc mới chào đời.

 

 Ba mẹ con dọn về một xóm nhà bình dân, sống trong ngôi nhà chỉ có hai phòng ngủ, xung quanh suốt ngày suốt đêm vang vọng những tiếng ồn ào nơi phố chợ.

 

Bà Đỗ Thu Sương tạm biệt cuộc sống an nhàn sung sướng bao nhiêu năm, phải tìm việc làm kiếm tiền nuôi con và gồng gánh chi phí ăn học đắt đỏ cho hai cô con gái.

 

Anh em bà con họ hàng của ông Trình Chí Minh tuy cũng còn rất đông và giàu có, nhưng lạ thay lại không một ai dang tay ra để hỗ trợ chút chi phí cho chị em Trình Tuyết Linh tiếp tục ăn học.

 

Trước hoàn cảnh lấy hai chọn một, bà Đỗ Thu Sương đã không ngần ngại cho đứa con gái nhỏ thôi học trường tư để chuyển đến trường công rẻ hơn nhiều, lại gần với khu nhà ở đang thuê.

 

 Câu giải thích duy nhất Trình Tuyết Lê nhận được là chị gái có tài năng thiên phú hơn cô, cần được đào tạo trong môi trường tốt nhất. Bà ấy muốn nuôi Trình Tuyết Linh thành một họa sĩ tài danh, để họ có thể quay lại cuộc sống giàu sang phú quý như xưa.

 

Có điều bà ấy không biết được rằng từ thuở đứa con gái nhỏ mình còn học cấp 1, những bản vẽ và những tác phẩm mà Trình Tuyết Linh mang đi dự thi đều xuất phát từ bàn tay của Trình Tuyết Lê.

 

Ban đầu chỉ là vì Trình Tuyết Lê thấy chị cố gắng mệt mỏi nhưng tác phẩm không được ưng ý nên ra tay giúp đỡ. Dần già dưới sự thổi phồng và khoe khoang của bà mẹ, Trình Tuyết Linh với những tác phẩm của em gái mình đã mang danh cô gái tài năng thiên bẩm

 

Đâm lao buộc phải theo lao, hai chị em tiếp tục chuỗi ngày thay đào đổi mận, để Trình Tuyết Linh có thể vĩnh viễn sống dưới cái mác cô gái thiên tài.

 

12 năm sống dưới cái bóng của chị, Trình Tuyết Lê vẫn âm thầm hỗ trợ hết mức có thể cho chị gái mình. Kể cả việc giấu nhẹm chuyện Trình Tuyết Linh đã có mối quan hệ yêu đương với người thầy dạy môn Mỹ thuật ở viện mỹ thuật mà cô ấy đang học.

 

Chẳng hiểu vì lý do gì Trình Tuyết Linh lựa chọn giấu diếm bà Đỗ Thu Sương về mối quan hệ này. Cô gái chỉ tỉ tê tâm sự cho cô em gái hàng đêm ngủ cùng mình nghe những buồn vui, những giận hờn, những niềm xao xuyến khi tiếp xúc với người đàn ông đó.

 

Lần đầu tiên rơi vào mật ngọt ái tình, cô gái thơ ngây và yếu đuối như Tình Tuyết Linh nhanh chóng bỏ ngoài tai những lời cảnh báo của em gái, tiếp tục mối quan hệ yêu đương ngày càng thăng cấp với người đàn ông kia.

 

Cô ấy bắt đầu ra ngoài vào ban đêm, mượn cớ đi cùng Trình Tuyết Lê để qua mặt mẹ mình. Tuyết Linh đưa cho em gái thẻ thư viện của mình để Trình Tuyết Lê vào đó đọc sách chờ đợi, còn mình đi hẹn hò cùng bạn trai.

 

Thời gian hai chị em ra ngoài càng nhiều và trở về nhà càng trễ, bà Đỗ Thu Sương đã nổi lên sự nghi ngờ. Nhưng khi ấy vì quá lo sợ Trình Tuyết Linh lại đổ vấy cho em gái.

 

Trình Tuyết Lê biến thành cô gái 17 tuổi mang tiếng ra ngoài chơi bời để chị gái chờ đợi bên ngoài. Cô đã phải cắn răng chịu những trận đòn tàn nhẫn của mẹ ruột mình trước ánh nhìn van lơn đầy khẩn thiết của chị gái.

 

Không phải Trình Tuyết Lê nhu nhược hay là ngu ngốc, mà bởi vì từ nhỏ đến lớn cô vẫn ghi khắc lời dạy của cha năm nào. Khi ấy Trình Chí Minh đã ôm lấy đứa con gái 5 tuổi của mình, chỉ vào Trình Tuyết Linh đang nằm trên bệnh viện sau những ngày nhập viện mòn mỏi:

 

- Con gái ngoan! Cho dù sau này như thế nào, hãy giúp mẹ bảo vệ chị gái của con. Nó đã chịu rất nhiều thiệt thòi và đau đớn để có thể sống sót trên cuộc đời này. Con may mắn sinh ra khỏe mạnh, vì vậy hãy san sẻ và yêu thương người chị gái bất hạnh này của con nhé?

 

Trình Tuyết Lê chỉ mới 5 tuổi, nào biết lời hứa ấy có bao nhiêu trọng đại có bao nhiêu ràng buộc cho cuộc đời của mình sau này. Cô ôm lấy cổ bố nhẹ nhàng trả lời "Vâng ạ!"

 

Trình Chí Minh cũng nào biết, trong suốt thời thơ ấu của Trình Tuyết Lê, nhất là sau khi ông ấy qua đời, cô đã có nhiều lần cực kỳ tủi thân tự hỏi. Tại sao sự cho đi và nhường nhịn của cô lại biến thành nghĩa vụ? Tại sao mẹ cô chỉ nhìn thấy nhu cầu của chị gái mà không nhìn thấy những uất ức của con gái nhỏ?

 

Đã không hề yêu thương cô vì sao còn muốn sinh cô ra đời?

 

Lo sợ xảy ra chuyện, Trình Tuyết Lê đã từng băn khoăn đến mức muốn kể lại cho mẹ nghe. Nhưng cô chưa kịp thực hiện dự định thì biến cố lớn đã xảy ra đối với ba mẹ con bọn họ. Trình Tuyết Linh qua đời.

 

Mất đi đứa con gái yêu là cú sốc lớn đối với bà Đỗ Thu Sương. Bà ấy tưởng như đã phát điên, suốt ngày chỉ đóng cửa trong phòng gào khóc. Sự hiện diện của đứa con gái còn lại chỉ là sự nhắc nhở tàn khốc rằng bây giờ niềm hi vọng bà ấy ký thác đã không còn lại gì.

 

Nực cười thay, dường như từ lúc ấy, đối với đứa con gái nhỏ của mình bà ấy lại sinh ra hận oán.

 

Tuyết Lê mãi mãi không quên được, trong ngày cuối cùng của thất thứ bảy sau cái chết của Trình Tuyết Linh, bà ấy đang ngồi tựa vào tường lại đột nhiên nhìn chằm chằm vào mặt cô, hỏi với vẻ vô cảm:

 

- Vì sao kẻ phải chết đi lại không phải là con?