Mặc dù chúng tôi không thân thiết, nhưng không đến mức ghét bỏ gì, gặp nhau vẫn có thể cười chào nói đôi ba câu. Anh ấy trông thấy tôi, liền tiến lại chào hỏi: “Em đi công tác à?”
“Em đi du lịch.” Tôi trả lời.
Chúng tôi chẳng biết nói gì thêm, đứng im một lát anh lại hỏi: “Sắp đến giờ chưa? Qua bên kia ngồi uống nước.”
Tôi từ chối: “Em đến giờ rồi.”
Anh gật đầu: “Vậy anh đi trước đây.”
Chưa kịp qua cửa kiểm soát, mẹ gọi điện đến báo cậu em trai tên Tài của tôi bị ngã xe nằm viện. Tôi huỷ bỏ chuyến đi, vội vã qua bệnh viện xem tình hình.
Phòng bệnh em tôi rất đông người, dượng thấy tôi đến thì gật đầu. Con gái của dượng đứng dậy để lại chiếc ghế trống cạnh giường bệnh, cô ấy đứng dựa vào một góc phòng, lãnh đạm bấm điện thoại.
Mẹ tôi hai mắt đỏ hồng nắm tay con trai cưng, em gái cùng mẹ khác cha ở bên cạnh buồn phiền: “Nó chỉ gãy chân thôi mà mẹ làm như sắp chết ấy.”
“Con nói năng thế à? Gãy chân không đau chắc?” Mẹ tôi khùng lên.
Em gái không chịu thua: “Nó đú đởn kẹp ba còn lạng lách đánh võng, bị vậy là đáng đời.”
Tôi cản lại cãi vã sắp bùng lên: “Thôi, đang ở bệnh viện, đừng lớn tiếng.”
Ngay lúc mẹ và em gái tôi to tiếng con gái của dượng đã nhìn họ chán nản bỏ ra ngoài. Dượng tôi thấy vậy cũng đi theo, còn lại mẹ quay sang nắm tay tôi nói: “Chủ xe bọn trẻ tông phải đang đòi kiện. Mẹ nghe nói con có bạn là luật sư, con liên hệ…”
“Mẹ đừng có mà lúc nào cũng bênh vực nó vô lối như thế, cứ phải để nó chịu trách nhiệm một lần cho nhớ đời.” Em gái ngồi bên cạnh nghe không lọt tai gay gắt nói.
Mẹ tôi sửng cồ lên: “Mày làm chị như thế à? Mày muốn em nó ngồi tù phải không?”
“Nó chưa đủ tuổi đi tù, mẹ không phải lo. Nhưng con thấy cho vào trại giáo dưỡng để người ta cải tạo lại cũng không sai đâu, mẹ xem mẹ chiều nó thành cái gì rồi?”
“Mày…” Mẹ lắp bắp.
“Con làm sao?”
“Kim!” Tôi nói, nhận ra có hơi lớn tiếng, liền thu lại thái độ: “Em ra ngoài đi để chị nói chuyện với mẹ.”
Kim vùng vằng ra khỏi phòng bệnh, tôi trông theo con bé không khỏi thở dài trong lòng. Đứa em này của tôi hễ mở miệng liền gây hấn, không giống như cái Nhi luôn biết lựa lời mềm dẻo làm người khác vui. Tôi biết cái Kim là người thẳng tính, bụng dạ của nó cũng không có gì, nhưng nó cứ như vậy thì khó tránh bị người khác không ưa.
Ở phương diện giáo dục con, tôi nghĩ mẹ tôi đã thua dì rồi. Xét từ tôi, hai đứa em cùng mẹ khác cha, đem so sánh với hai đứa em cùng cha khác mẹ, kể cả người anh con riêng của dì liền nhận ra ngay.
Mẹ khóc lóc kể lể một hồi, tôi chọn ra những ý chính để nắm bắt, sau đó lấy số điện thoại gọi cho chủ xe em tôi đâm vào hẹn gặp.
Ra khỏi phòng bệnh, cái Kim chặn đường tôi: “Chị cứ kệ nó, để nó tự chịu trách nhiệm một lần nó mới rút ra được bài học.”
Tôi mỉm cười, kéo em đi: “Đi chơi vui chứ. Có tới được nhiều chỗ không?”
Ánh mắt Kim lập tức loé lên, tôi biết con bé đã rất vui, Kim lôi ra trong túi một chuỗi hạt, bắt lấy tay tôi cuốn lên: “Em bảo gọi chị để đưa mấy lần mà toàn quên, vòng này được thầy đích thân trì chú, đeo vào sẽ may mắn khỏe mạnh, chị không được tháo ra đâu đấy. Thầy ở Malai sang nổi tiếng lắm, không phải ai cũng xin được đâu.”
Con bé luyên thuyên một hồi, tôi hỏi: “Thầy tên gì thế?”
Kim ngây ra, con bé thật sự suy nghĩ, xong dẩu môi: “Em chẳng nhớ đâu, tên thầy dài khó nhớ bỏ xừ.”