Lệ Linh

 

Reng… reng … reng …”

 

Đồng hồ báo thức reo lên một hồi dài, Lệ Linh cố đưa cánh tay yếu ớt như không còn chút sức lực để tắt tiếng chuông, vì cô vẫn còn đang mơ màng trong giấc ngủ. Hàng mi cong vút, đôi mắt bồ câu xoe tròn long lanh như vì tinh tú đêm qua đi lạc xuống nhân gian, khép hờ không hề giấu giếm vẻ đẹp kiều diễm hút hồn trên gương mặt trái xoan. Mái tóc nhuộm màu nâu sô – cô – la mềm mại sóng sánh như từng đợt sóng nhỏ lăn tăn xô vào bờ cát trắng phau. Cô như nàng công chúa xinh đẹp trong lâu đài chờ hoàng tử đến đánh thức sau một giấc ngủ dài.



 

Hương thơm dịu nhẹ của oải hương phảng phất khắp căn phòng lộng lẫy. Lệ Linh quặn người rồi giật phăng chiếc chăn bông, bước ra khỏi giường mở toang cửa sổ cho ánh nắng ùa vào ồ ạt. Bàn tay nõn nà nhỏ bé càng quyến rũ hơn khi những tia nắng ấm áp của ngày mới chiếu ngang qua. Những đồ vật trong căn phòng như cùng cô thức tỉnh sau một đêm dài say giấc. Chú gấu bông Teddy mềm mại tựa lưng vào vách tường khẽ mỉm nụ cười tươi rói. 

 

Cô bước vào phòng tắm, vặn nhẹ vòi sen cho những dòng nước mát rượi tưới khắp cơ thể. Những giọt nước nhẹ nhàng mơn trớn như vuốt ve thân thể tươi trẻ và quyến rũ của cô. Đã lâu rồi cô không ngắm nhìn dung nhan này thật kỹ vì bận rộn nên cô cứ thế dành chút thời gian nâng niu rồi tự mỉm cười với chính mình qua chiếc gương lớn yêu thích thường ngày. Cô thả tâm hồn mình tự do đi lang thang, rời xa khỏi thể xác đầy mỏi mệt tìm chút bình yên trước khi bước qua cánh cửa ngày mới. Mùi oải hương lại thoang thoảng len qua mọi ngóc ngách trong tâm hồn cô như muốn nhắc nhớ một điều vốn đã xưa cũ nhưng chẳng thể nào quên.

 

Hôm nay cô ăn diện lạ hơn mọi ngày. Chiếc áo sơ mi trắng tay lửng chất liệu tơ tằm mịn và mát, chân váy màu xám đính hai hàng cúc ở phía trước làm điểm nhấn, chiếc túi xách với họa tiết trang trí đinh tán kim loại được kết hợp với nhau một cách tinh tế. Đương nhiên không thể thiếu đôi giày cao gót – một người bạn rất thân của nhiều phụ nữ trong xã hội hiện đại vừa tôn lên nét dịu dàng, vừa thể hiện niềm kiêu hãnh. Đôi giày màu hồng pastel, gót nhọn, thanh mảnh làm dáng đi của cô trở nên nhẹ nhàng, uyển chuyển như một vũ công ba - lê đang biểu diễn trên sân khấu kiêu sa và lộng lẫy.

 

“Cháu ăn sáng rồi mới đi làm chứ con?”  

 

Bà Năm - giúp việc - vừa đặt bát phở bò xuống bàn nhìn về phía cầu thang đúng lúc Lệ Linh vừa xuống nhẹ nhàng hỏi:

 

“Vâng, con ăn sáng rồi mới đi ạ.”

 

Vừa nói dứt câu, Lệ Linh đến bên cạnh mẹ điệu bộ nhõng nhẽo. Vì là con gái một nên bố mẹ nuông chiều cô từ nhỏ. Với người khác là sến sẩm nhưng ở cái nhà này đó là điều hết sức bình thường. Nếu một ngày cô không như thế nữa thì nơi đây sẽ như một thế giới đã vắng đi những sự sống.

 

“Ái chà! Để xem nào con gái nhà ai mà xinh thế này? Con xoay một vòng cho mẹ xem nào? Con gái mẹ đã lớn thế này rồi à?”

 

Bà Thanh Trúc - mẹ của Lệ Linh xuýt xoa trước vẻ xinh đẹp của cô con gái do bà mang nặng đẻ đau sinh ra. Lần nào bà cũng như thế, bao nhiêu năm rồi bà vẫn không thay đổi, nhiều lúc bà cứ làm quá lên như thể con bà là tiên nữ vậy.

 

Ông Chính Kỳ - bố của cô cũng vậy. Con gái của ông lúc nào cũng là nhất, nếu có một điều ước chắc có lẽ ông ước trái đất quay quanh cô công chúa bé nhỏ của mình.

 

“Thôi đi, bố mẹ đúng là bố mẹ của con. Để người ngoài biết được người ta lại nghĩ nhà mình “mèo khen mèo dài đuôi”. Mà con xinh thật hả bố mẹ?”

 

Lệ Linh làm bộ trách bố mẹ làm lố nhưng rồi chính cô lại thấy hạnh phúc bởi sự quá lố đó. Cả ba cùng cười khúc khích, mùa xuân như đang vội vàng trở về trong ngôi nhà tràn ngập những yêu thương dù cho chín tháng nữa vòng tuần hoàn mới lại bắt đầu. Gia đình đúng là tổ ấm – nơi tình yêu luôn bỏng cháy và hạnh phúc luôn đong đầy.

 

“Hôm nay, con định đi bằng gì đến nhà xuất bản? Có cần bố cho đi nhờ không?”

 

Bố Lệ Linh nhìn con gái với ánh mắt yêu chiều, dịu hiền của đấng sinh thành. Kể từ khi cô được sinh ra đối với ông đó là món quà mà thượng đế ban tặng. Món quà đó không có giá trị bằng tiền mặt hay một thứ vật chất nào khác mà vô giá như một phép màu diệu kì.

 

“Dạ, con đi xe buýt tới ạ. Bố không cần cho con đi nhờ đâu, con tự đi làm được mà.”

 

Lệ Linh từ chối yêu cầu giúp đỡ của bố cô. Cô biết bố luôn lo lắng cho cô, lo cô bị lạc đường, gặp phải kẻ xấu, vất vả,... Nhưng cô cũng hiểu mình lớn rồi đã đến lúc phải tự làm mọi thứ từ những việc đơn giản nhất như từ nhà đến công ty. Cô không phải chú ốc nhỏ nên không thể ở mãi trong chiếc vỏ bọc của mình.

 

“Không được đâu con, đi chung với bố cho an toàn, từ nhỏ đến giờ con có đi xe buýt lần nào đâu.”

 

Mẹ của cô tỏ ra lo lắng đối với bà Lệ Linh có bao nhiêu tuổi thì vẫn là một cô bé con như ngày nào bà vẫn ôm trong lòng, vẫn hát ru mỗi khi quấy khóc.

 

“Thôi, con đã nói vậy thì bà nghe theo con đi mình cũng phải cho con cơ hội để tự lập, để trưởng thành chứ.”

 

Bố của Lệ Linh như hiểu được tâm tư con gái nên nhẹ nhàng khuyên mẹ cô. Ông đúng là một người bố tâm lý mà bao cô con gái trên đời ao ước, chỉ nhìn ánh mắt thôi đã biết cô đang nghĩ gì.

 

“Bố đúng là người hiểu con nhất. Vậy hẹn gặp lại bố sau nhé.”

 

Lệ Linh ôm cổ bố thân mật, tình phụ tử như ánh lên long lanh trong đáy mắt ngây thơ của cô. Cô chào tạm biệt bố mẹ rồi háo hức ra bến xe buýt cho kịp chuyến, khuôn miệng nhỏ nhắn của cô dịu dàng hiển hiện hình một nụ cười tươi tắn. Ngày đầu tiên đi làm cô không muốn đến muộn.

 

Đã lâu lắm rồi Lệ Linh không ngắm nhìn thành phố vào buổi sáng sớm. Vì không đi làm nên ngày nào cô cũng thức dậy vào lúc mặt trời gần lên đến đỉnh đầu giờ được ngắm nhìn toàn cảnh phố phường vào buổi sớm thế này lại thấy hay hay. Từng chiếc xe buýt dừng lại rồi dời đi mang theo những hành khách đến nơi họ mong đợi như một sứ mệnh mà cuộc đời ban tặng. 

 

Những chiếc xe buýt kia mỗi ngày đều làm việc từ sáng sớm đến chiều tối liệu có khi nào chúng thấy mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi chăng? Bên cạnh là những dòng xe máy đang di chuyển chậm chạp do tắt đường. Vì là đường nội thành nên không có xe tải thỉnh thoảng cô bắt gặp những cụ già và những em bé bán vé số bên đường. Những tập vé số dày cộm là kế sinh nhai mỗi ngày của những số phận ấy. 

 

Những đôi chân bé nhỏ, yếu đuối nhưng dường như không biết mệt mỏi rong ruổi khắp mọi nẻo đường của thành phố Sài Gòn rộng lớn để bán từng lá số như những chú kiến tí hon ngày ngày chăm chỉ tha mồi về tổ. Một em nhỏ đang đang tạm biệt bố mẹ để vào lớp rồi mai đây khi khôn lớn các em cũng sẽ hoà vào dòng người đông đúc giữa lòng đường để bon chen, mưu sinh với cuộc đời nổi trôi. Họ lướt qua cô vội vàng một chút ấn tượng nhỏ cũng không buồn để lại. 

 

Một chiếc lá vàng khẽ rơi trên vai cô mặc dù còn lâu lắm trời mới vào thu nhưng lá vẫn cứ vàng. Bởi vì khi đã mọc ra và trưởng thành đến một giai đoạn nào đó thì lá phải về cội như một quy luật tất yếu của tự nhiên. Chợt cô thẩn người suy nghĩ bố mẹ cô rồi cũng vậy, kể cả cô và những người thân yêu khác nữa, một nỗi buồn miên man vừa đượm lên trong ánh mắt nâu đen diễm lệ của cô.

 

Đợi mãi rồi chiếc xe buýt cũng đến và đón cô đi. Lần đầu đi xe buýt nên bỡ ngỡ với cảnh chen chúc trên xe, những chiếc ghế ngồi đã kín chỗ. Từ đây đến nơi làm việc mất hai mươi phút nên cô phải đứng suốt trong khoảng thời gian đó, xe cứ  chạy rồi lại dừng để đón trả khách. Trong số những hành khách lên xuống, họ đã lướt qua nhau một cách vô tình giống như cái cách mà cuộc đời đang vận hành: miệt mài không ngừng nghỉ. Lúc tiến lên trên, lúc lùi xuống dưới rồi khi xe phanh gấp vì gặp ổ gà tất cả đều ngã nhào về phía trước mới chợt nhận ra người này đang vịn vào người kia để đứng vững.