Đi theo ta

 

“Phụ thân, mẫu thân… Mưa to quá, mát quá.”

“Nha đầu, mau vào trong đi, đừng để nhiễm lạnh.” Không có tiếng đáp lại của phụ mẫu, chỉ có tiếng gọi của tổ mẫu từ trong nhà vọng ra.

Ta nhìn bóng lưng phụ mẫu đang bận rộn ôm củi khô cất vào nhà, lại nhìn tổ mẫu đang khó khăn bám lên vách cửa nhìn ra, lo lắng tìm kiếm bóng dáng của ta, ta ngoan ngoãn gật đầu rồi chạy vào nhà: “Dạ!”

Bước tới ngạch cửa, tựa như chẳng yên tâm, ta ngoái lại kêu to: “Phụ thân, mẫu thân, hai người nhanh vào kẻo ướt.”

Vẫn chẳng có tiếng đáp lại, một lời dư thừa, họ cũng lười cho ta. Cũng phải thôi, bởi vì ta hại họ mất đi đứa con trai duy nhất của họ. Năm đó ta mới ba tuổi, vì ham chơi nên đã lén chạy lên núi theo bầy thỏ rừng, ca ca vì tìm ta mà lên núi, chẳng may trượt chân, gieo mình xuống vực, không có phép màu, bỏ mạng từ ấy. Từ ngày đó, phụ mẫu đã chết tâm, đứa con gái nhỏ gây ra họa tày đình là ta cũng trở thành nỗi canh cánh trong lòng họ. Coi như không thấy ta, không nghe ta, có lẽ khiến họ đỡ khổ sở hơn vài phần.

Năm nay ta bảy tuổi, cao hơn, nhưng lại đen hơn. Phụ mẫu thường đi xa làm công cho địa chủ, trong nhà chỉ còn tổ mẫu đi lại khó khăn và ta, chuyện kiếm củi, đun nước thổi cơm đều do ta lo toan, đầu tóc rối bời, da mặt bị nắng bị khói hun cho đen sạm, đôi tay nhỏ bị việc nhà mài cho rách da, trở nên sần sùi thô kệch, thường xuyên bị mấy cô nương nhà khác chê cười, lấy làm điểm mua vui.

Tổ mẫu đưa cho ta một mảnh vải vụn cũ kỹ, mảnh vải này vốn được cắt ra từ chiếc áo cũ của tổ mẫu: “Lau tóc rồi dọn cơm đi con.”

“Dạ.” Ta mỉm cười nhận lấy bằng hai tay, len lén phụ mẫu mà ôm tổ mẫu một cái, cả lòng đều ấm hơn, ủy khuất vì bị phụ mẫu coi nhẹ cũng tan bớt.

Tổ mẫu thương ta, nhưng trong nhà ăn uống sinh hoạt đều dựa vào mấy đồng bạc vụn do phụ mẫu làm công, tổ mẫu cũng không có tiếng nói, chỉ đành lén lút phụ mẫu cho ta chút tình thương.

Bữa cơm hôm nay chẳng khác gì mọi khi, vẫn là nồi cháo loãng lõng bõng vài hột gạo tẻ, một đĩa rau rừng xào, vài củ khoai lang hấp. Phụ thân ta gảy gảy miếng khoai lang trong đĩa, rồi nhăn mày dứt khoát húp một hơi sạch chén cháo loãng rồi nhìn ta, thấy phụ thân tựa như có điều muốn nói, ta im lặng dừng đũa, ngập ngừng ngước mắt nhìn đối diện với phụ thân, chờ đợi người mở miệng.

“Hải nương xóm bên đang ra giá mười lượng để mua nha đầu về làm công cho nhà quyền quý ở Kinh đô.”

Ta trân trối nhìn phụ thân, cổ họng nghẹn ứ, mười đầu ngón tay giấu dưới bàn gỗ bấu chặt vào đùi, mãi thật lâu ta mới tìm được giọng nói của mình: “Ý của người là…”

“Ở đây chịu khổ, chi bằng con hãy đến Kinh đô một chuyến, làm công cho nhà quyền quý, tuy không tránh khỏi phần cực nhọc, nhưng bù lại không cần lo ăn ngày được ngày mất, chỉ cần giữ vững bản tính, trung thực, chăm chỉ, thiết nghĩ, họ cũng sẽ không quá khắt khe.”

Lời của phụ thân văng vẳng bên tai ta, hai lỗ tai của ta ù ù như có gió bên trong, lòng ta thoáng trĩu. Lát sau, ta khó khăn chuyển tầm mắt, tìm kiếm sự giúp đỡ của mẫu thân. Không nhìn đã đành, nhìn rồi, lòng ta lại càng thêm nặng. Mẫu thân không nhìn ta, bà chỉ im lặng dùng đũa đảo loạn chén cháo loãng của bà.

Ta tựa như đã hiểu ra, phụ thân và mẫu thân... đã quyết tâm...

“Con à…”

Tổ mẫu vừa gượm lên tiếng, có lẽ là muốn thử thương lượng với phụ thân để giữ chân ta lại, nhưng đã đoán được kết quả, ta cần gì phải để tổ mẫu và phụ thân phải bất hòa, ta nhanh miệng chặn lời tổ mẫu, nói với phụ thân: “Con đã hiểu, khi nào con phải đi?”

Tuy ta mới bảy tuổi, nhưng hoàn cảnh sống khiến ta chững trạc hơn nhưng cô nương cùng trang lứa, ta đã quyết tâm, tổ mẫu cũng không nói thêm được gì, tổ mẫu nhìn ta, cả người tựa như đều rụng rời xương cốt, đau khổ bưng mặt quay đi.

Tổ mẫu đời này vì ta, rơi nước mắt đã nhiều. Nếu ta đi, sau này... tổ mẫu cũng không cần đỏ mắt vì ta nữa.

Phụ thân hiếm hoi tận tình gắp vào bát mẻ của ta một miếng khoai, rất to: “Ba ngày nữa đến đầu thôn, Hải nương sẽ đưa con đi."

Danh Hải nương ta đã nghe, nói dễ nghe thì là người môi giới, nói khó nghe, thì chính là phường buôn người.

“Vâng.” Ta nhìn miếng khoai trong bát, âm thầm thở dài.

Một đứa trẻ như ta đổi lấy mười lượng bạc cho phụ mẫu lấy làm vốn làm ăn nhỏ, có lẽ cũng đáng... Nhỉ?

Đúng ngày hẹn, Hải nương đứng ở đầu ngõ, vừa thấy phụ mẫu dẫn ta đến, bà ấy nhìn thoáng qua ta, nhẹ nhàng buông một câu: “Ừm, được rồi, nha đầu, đi theo ta.” 

Ngày ấy rời khỏi châu Chu Vân, tiết trời trở xấu, mưa gió đùng đùng, mây đen giăng kín bầu trời, tia sét đánh ngang rẽ bầu trời làm hai nửa, sáng tối lẫn lộn. Ngồi trong xe ngựa, ta vén rèm nhìn về phía cổng thành. Ngoại trừ lính gác cổng thành thì chẳng còn ai. Tổ mẫu không tiện đi lại, đành ngồi nhà dùng nước mắt lau mặt. Phụ mẫu chỉ để lại một câu “cố gắng sống tốt” rồi nhận tiền từ tay Hải nương, quay lưng đi về, một cái ngoái đầu không nỡ, ta cũng chẳng được nhận. Thì ra, đã đánh mất một người con rồi thì mất thêm một người con khác, cũng chẳng xá gì, huống hồ, trọng lượng của ta trong lòng họ, chẳng bằng lấy một phần mười ca ca. 

Ta chậm chạp buông tay, rèm cửa xe ngựa che đi màn mưa trắng xóa, nhưng âm thanh nặng trĩu của hạt mưa gõ lên nóc xe ngựa chẳng thể bị át đi, cả lòng ta đều trầm xuống, khóe môi không nhịn được mà nhếch nhẹ, tự giễu số phận này. 

Đi rồi, một đời này, sẽ chẳng quay về chốn cũ. 

Chỉ cầu tổ mẫu, phụ thân và mẫu thân, một đời bình an.