Truyền thuyết về Nham Biền


Từ xưa, người dân Bắc Giang hay còn gọi là tỉnh Hà Bắc cũ lúc bấy giờ truyền tai nhau truyền thuyết về ngọn núi thánh Nham Biền-một ngọn núi với chín mươi chín đỉnh núi, gắn liền với sự kiện “Bách Phượng quy" tức là trăm phượng hoàng bay về.

Truyền thuyết kể rằng, từ rất lâu về trước có vị vua đi tìm vùng đất lành khai quốc, đến vùng đất Bắc Giang thấy thiên nhiên ôn hoà, đất lành chim đậu, hơn thế con người lương thiện, cần cù lại chăm chỉ. Ngài nhẩm tính chọn vùng đất ấy làm kinh đô khai quốc. Xong, vào một ngày nọ, dãy núi linh Nham Biền có trăm con phượng hoàng bay từ phương xa về đậu trên chín mươi chín ngọn núi Nham Biền. Trăm Phượng nhưng chỉ có chín mươi chín ngọn núi nên con chim đầu đàn bay lượn mãi không tìm được chỗ đậu bèn bay đi mất, kéo theo cả đàn Phượng Hoàng bay đi. Nhà vua thấy thế, biết rằng việc lớn không thành nên ngài đã đi tìm vùng đất khác để lập kinh đô.

Đây là một sự tiếc nuối của người dân Bắc Giang, nhưng đồng thời họ cũng không kém phần tự hào về vùng đất chôn rau cắt rốn của mình. Tuy không có vận số trở thành kinh đô của đất nước nhưng suy cho cùng Bắc Giang vẫn là một vùng đất linh thiêng, sinh ra biết bao nhiêu nhân tài cho đất nước từ ngàn đời nay.

Khi du khách thập phương đến mảnh đất Bắc Giang với đủ loại mục đích khác nhau: làm ăn buôn bán, du lịch, nghỉ dưỡng,...nếu có hỏi người dân nơi đây về vùng đất Nham Biền, ắt hẳn ít nhiều sẽ đều được nghe kể về sự kiện "Bách phượng quy".

Lại nói thêm, Việt Nam có trăm họ, trong đó có 7 dòng họ chiếm đến 80,5% dân số, theo thứ tự là Nguyễn, Trần, Lê, Phạm, Hoàng/Huỳnh, Võ/Vũ. Bên cạnh đó cũng có đến 19 họ hiếm chiếm chưa đến 1% dân số được ghi chép lại như Đôn, Cảnh, Dã, Lạc, Phương, Giáp, Yến,..

Tuy chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong trăm họ của nước ta nhưng nổi tiếng trong 19 dòng họ hiếm không thể không nhắc đến dòng họ Phương với bề dày lịch sử lâu đời.

Một họ có thể chia ra làm nhiều chi khác nhau, ví dụ cùng là họ Nguyễn nhưng lại được phân ra làm nhiều chi nhỏ như: dòng họ Nguyễn Văn, Nguyễn Đình,...Tương tự như thế, ở Bắc Giang có một dòng họ nổi tiếng trong lĩnh vực huyền học đó là dòng họ Phương, không phải là Phương Văn hay Phương Đình mà chỉ có duy nhất một chữ Phương.

Những người xuất thân từ chi này vô cùng tài giỏi và rất có duyên với phần "âm". Họ có khả năng trên kết nối âm dương, dưới câu thông quỷ thần, thứ mà người trần mắt thịt chỉ nghe và thấy nhưng không thể cầu. Có hai câu thơ mà người trong giới dành tặng cho những thầy pháp sinh ra từ nhà họ Phương sống dưới chân núi Nham Biền như sau:

"Người dẫn đường, ma đưa lối
Một sợi chỉ đỏ, kết nối âm dương."

Phàm là người trong giới huyền học, ít ai không biết đến danh tiếng của thầy Toàn-một thầy pháp nức danh họ Phương, quê ở Bắc Giang. Việc gì liên quan đến phần âm mà mời được thầy đến giúp chắc chắn thành công bởi vì Phương Toàn có một nguyên tắc: Không thể giúp thì quyết không nhận, nếu đã nhận ắt phải làm đến cùng.

Tuy nhiên, dạo gần đây có rất nhiều người đến mời thầy Toàn giúp đỡ nhưng đều buồn bã ra về. Gặng hỏi thầy nguyên do thì thầy chỉ lắc đầu rồi bảo:

"Nhà tôi còn có việc, đợi sau khi lo xong việc nhà nếu có cơ hội nhất định sẽ đến giúp đỡ bà con."

Người ta tò mò hỏi sâu hơn nhưng thầy quyết không nói thêm một lời nào.

Vậy việc gì mà có thể khiến cho một thầy pháp nổi tiếng gần gũi và hiền hậu từ chối tất cả lời mời và sự cầu xin giúp đỡ từ người khác. Đáp án nằm ở người cháu gái của Phương Toàn-Phương Diễm.