Ly hồn 1


Phương Diễm từ khi sinh ra đã khác với người thường, điều dễ thấy nhất là ở cái tên chỉ gồm hai chữ: họ Phương tên Diễm, vì vậy khi đặt trong danh sách lớp tên của cô vô cùng nổi bật, rất dễ gây sự chú ý. Không chỉ có mỗi mình cô mà tất cả người thân trong gia đình đều có tên tương tự như vậy. Ông nội tên Phương Toàn, bố tên Phương Tùng, anh trai tên Phương Tuấn.

Suốt quá trình học ở tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông mỗi khi kiểm tra bài cũ khi không có học sinh nào giơ tay; không có mười thì phải đến chín thầy cô sẽ soát danh sách lớp từ đầu đến cuối và hô to “Phương Diễm, lên bảng.”

Luận điểm của thầy cô là “tên ngắn nhất lên bảng “hoặc “mời bạn tên đặc biệt nhất lớp lên bảng”.

Nhiều quá thành quen, mỗi lần rơi vào trường hợp như thế Phương Diễm đều chủ động giơ tay lên bảng trả bài. Mà muốn làm được bài thì phải học nhờ vậy mà cô rèn luyện cho mình một tinh thần học tập rất chăm chỉ.

Nguồn gốc tên Phương Diễm xuất phát từ chuyện lạ ngày cô ra đời. Phương Diễm được nghe mẹ là bà Nguyễn Thị Thuỷ kể lại rằng cô được sinh ra vào ngày chí âm 00 giờ 15 tháng 7 âm lịch. Không sai, đúng vào 12 giờ đêm ngày 14 dạng sáng ngày 15 cô trào đời.

Nguyên cả ngày hôm đó, cả vùng trời trên phía dãy núi Nham Biền sắc trời nhuộm một màu vàng rực như lửa cháy. Thời sự, báo đài đưa tin không ngớt, ngay cả đài khí tượng-thuỷ văn quốc gia cũng tham gia điều tra. Họ lo lắng liệu rằng dị tượng có phải là báo hiệu của một trận thiên tai lớn sắp xảy ra hay không?

Ban đầu bố mẹ Phương Diễm dự tính đặt tên cho con gái là Phương Mỹ Chi có ý nghĩa là con chim đẹp có tiếng hót hay của phương Nam.

Tuy nhiên khoảnh khắc bố cô-ông Phương Tùng tính đặt bút viết tên con gái xuống giấy khai sinh thì bất ngờ nhận được cuộc gọi của ông nội.

“Bố! “ Ông Tùng bắt máy, phía bên kia vang lên tiếng nói gấp gáp lại có phần mệt mỏi của ông Toàn.

“Tùng hả con, con đặt tên cháu gái là Phương Diễm cho bố.” Phương Toàn lên tiếng ngay khi con trai vừa bắt máy.

Phương Tùng thắc mắc:”Sao tự dưng bố đột nhiên muốn đổi tên cho cháu. Chẳng phải là trước đó gia đình đã thống nhất đặt tên là Phương Mỹ Chi rồi hay sao? Sao bây giờ lại…”

“Bên ngoài không tiện nói chuyện, đợi con về, hai bố con mình nói chuyện sau”. Chưa để con trai nói hết câu; ông Toàn vội ngắt lời.

“Vâng, con biết rồi.” Ông Tùng không thắc mắc nữa mà đồng ý ngay. Ông tin tưởng ông Toàn có lý do quan trọng nên mới muốn ông đổi tên cho con gái trong phút chốc.

Nhưng tại sao lại lấy tên “Diễm?” ngụ ý là lửa sao? Tên Diễm có ý nghĩa gì đặc biệt?

Về phía ông Toàn hiện đang ở nhà. Hôm nay là ngày con dâu đi sinh, vợ chồng con trai đều theo đến bệnh viện sản. Ngay cả nhóc Phương Tuấn năm nay mới 8 tuổi cũng nhất quyết đòi theo mẹ đi sinh em gái.

Ông cũng đã lớn tuổi lại là đàn ông, đi theo cũng không giúp được gì nên ở nhà vào từ đường thắp hương cầu phúc cho con dâu và cháu gái.

Vừa mới bước vào từ đường thì thấy bài vị trên cùng phát ra ánh sáng xanh. Đó là thứ ánh sáng màu xanh ngọc bích rất đẹp. Từng làn khói nhẹ nhàng bốc lên, uốn lượn như có sinh mạng tạo thành một đồ án kì lại trên không trung.

Phương Toàn khẽ nhíu mày rồi bấm ngón tay tính toán, ông biết rằng đây là tổ tiên có lời nhắc nhở. Nhưng ông không tài nào tính ra được đây là điếm xấu hay điềm gở nên có chút lo lắng.

Tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn, tháng chí âm. Hơn thế, năm nay đặc biệt hơn âm-dương trùng ngày. Cõi âm đại sá, trăm năm mới có một lần; quỷ môn quan mở cửa tất cả các ngày trong tháng, đại sá cho cô hồn dã quỷ có cơ hội được lên dương gian hưởng hương khói.

Hôm nay đã là ngày 14 tháng 7 âm lịch, con dâu trở dạ vào lúc 9 giờ tối. Việc sinh đẻ của phụ nữ đâu phải trở dạ là sinh được ngay, ai nhanh thì cũng phải 2-3 tiếng; người lâu có khi đến cả 2-3 ngày còn chưa sinh xong.

Nếu trong vòng 3 tiếng nữa con dâu chưa sinh xong thì cháu gái sinh vào đúng ngày âm, tháng âm, năm chí âm. Vô cùng đặc biệt.

Chẳng phải tự dưng người xưa có câu: Trai mùng 1, gái hôm Rằm, những đứa trẻ sinh ra vào mùng 1 hoặc 15 âm lịch thường có vận số khác với người thường. Nếu được nuôi dưỡng, dạy bảo tốt có rất nhiều người trở thành những đại nhân, đại tài trong xã hội. Đồng thời, ngược lại nếu không được chăm sóc cần thận, mệnh yếu thì rất dễ chết yểu hoặc bệnh tật triền miên.

Ngước lên nhìn bài vị của tổ tiên vẫn đang toả ra những vầng sáng nhàn nhạt màu xanh, thấy hương vừa đốt nay đã sắp tàn; ông Toàn vội thắp thêm ba nén hương mới. Thắp hương xong, ông bèn quỳ xuống tấm đệm hương bồ được đặt dưới chân bàn thờ vừa vái vừa cầu khấn trong lòng thầm cầu cho con dâu sinh nở được thuận buồm xuôi gió, mẹ tròn con vuông.

Rập đầu lần thứ chín, trước mắt ông Toàn hoa đi, trong một khoảnh khắc có lẽ là một giây đồng hồ hoặc lâu hơn thế mắt của ông không thể nhìn thấy bất cứ một thứ gì. Đến khi tỉnh táo lại, ông lờ mờ nhận ra phía trước mặt; dưới nền nhà lát bằng gỗ lim hiện lên hai chữ Phương Diễm bằng chữ Nôm màu vàng rực rỡ như lửa cháy. Ông có thể đọc được chữ Nôm đó là do truyền thống của gia đình, ngay cả Phương Diễm và Phương Tuấn cũng vậy.

Mới đầu, Phương Toàn còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Lồng ngực ông nóng ran, ruột gan bồn chồn khó chịu nôn nao như có con gì quậy phá trong lồng ngực muốn chui ra ngoài.

Ông nhìn chằm chằm vào kí tự chữ Nôm mà suy tư.

Ở chỗ ông Toàn không thấy được, từng luồng khói xanh trên bài vị tiến nhập vào đầu ông. Từ từ, chậm dãi…

Khoảnh khắc Phương Toàn nhận ra sắp có một lần ly hồn nữa sắp diễn ra cũng là lúc ý thức của ông rơi vào một mảng trầm ám.