Không một lời từ biệt!

 

Vưu Kỳ Tâm cũng không biết mình đã đón nhận bao nhiêu ánh nhìn khó hiểu, hoang mang của người đi đường. Cũng không biết sao đường về nhà hôm nay lại xa như thế… mọi ngày chỉ đi mười phút đã về đến, hôm nay lại đi đến tận tờ mờ khuya. Trên đường cũng không biết bản thân mình đi gục ngã bao nhiêu lần rồi mới cố gắng vực dậy được. Vừa về đến nhà, căn nhà nhỏ bằng một buồng vệ sinh công cộng ở ngoài phố nhưng chứa đầy tình cảm của hai bà cháu. Bà ngoại nhìn thấy cháu gái mình bơ phờ, cả người trầy trụa, đồng phục thì chỗ rách chỗ lành liền chạy đến hỏi han: “Tiểu Tâm, tiểu Tâm, cháu làm sao vậy? Có chỗ nào không ổn sao? Cháu tôi bị làm sao thế này? Nói gì đi con, ngoại đều nghe.”

 

Những lời ngoại nói đều không khiến cho Vưu Kỳ Tâm để ý, điều mà cô đang chú ý chính là bóng dáng của người đàn bà kia - Vưu Yến. Bà ấy đang loay hoay dọn đồ, dáng vẻ rất gấp gáp. Đến lúc này, Vưu Kỳ Tâm không nhịn được mà chạy đến nắm lấy bả vai mẹ mình thật chặt, giọng nói mang theo biết bao đau thương: “Bà về đây làm gì? Bà hại tôi đến thế này vẫn chưa đủ sao? Vưu Yến, bà có thật sự là mẹ tôi không vậy?” 

 

“Mày bị điên à? Mau bỏ tao ra…” Vẫn một câu hỏi đấy, tại sao ai cũng hỏi cô rằng cô có bị điên không? Bản thân cô sống từ trước đến nay có chỗ nào không tốt sao mà ông trời lại hành hạ cô đau đớn vậy.

 

Cuối cùng Vưu Kỳ Tâm bất lực ngồi bệt xuống nền nhà, muốn khóc cũng không còn nước mắt để rơi nữa rồi, cô chất vấn bà ấy: “Tại sao bà lại ve vãn cha của bạn học tôi? Ông ta giàu lắm đúng không?”

 

“Kỳ Tâm, làm sao con biết chuyện này, là ai đã nói vậy?” Dáng vẻ của Vưu Yến có chút hoảng hốt, bà ấy gần như không biết mình đã gián tiếp hại con gái thế nào. Cũng đúng, bà ấy làm gì quan tâm đến Kỳ Tâm chứ. Từ nhỏ đến lớn đều là một tay bà ngoại chăm sóc cho cô, ngày trước chẳng phải bà ấy còn có ý định phá thai một lần nữa hay sao? Nếu không phải bác sĩ nói rằng nếu lần này phá nữa sẽ không còn cơ hội làm mẹ, vì vậy nên bà ấy mới quyết định giữ lại cái thai ấy. Khi con ra đời đặt tên là Vưu Kỳ Tâm.

 

“Không biết làm sao được, ai cũng đồn rần lên hết rồi. Bọn họ chửi tôi là một đứa con không cha, có mẹ làm kỹ nữ. Ve vãn đàn ông yên bề gia thất, mà ông ấy chính là cha của bạn học tôi. Bà nhìn đi, con gái bà bị bọn họ đánh đấm đến ứa máu, bà có quan tâm không? Hoàn toàn không. Tôi còn gọi bà là mẹ vì công sinh ra tôi, nhưng tôi quá thất vọng rồi.”

 

Đến lúc này, Vưu Yến vẫn giữ cho mình một sự im lặng, căn nhà càng ngày càng chìm trong sự yên tĩnh đến đáng sợ. Sau một lúc, bà ấy mới tiếp tục dọn đồ, cuối cùng mới chịu nói ra một câu: “Dọn đồ đi, sang Pháp sống. Tối ngày mai bạn của tao có một chuyến tàu chở hàng sang đó, tạm thời cứ đi chui, giấy tờ các thứ tao sẽ lo liệu sau.”

 

“Tại sao? Không, tôi với bà ngoại không đi, bà tự lo cho cuộc đời của mình đi.” Lý do gì phải đi sang Pháp chứ? Vưu Kỳ Tâm nhất quyết không đồng ý, ở đây cho dù có tệ thế nào đi nữa thì cô vẫn còn có bà ngoại, Tiêu Ngân Bách cùng Hàn Dịch Đình. Với ước mơ có tấm bằng tốt nghiệp đại học vẫn dang dở này.

 

“Tao nói đi là đi, sang đó bao giờ làm giấy tờ xong tao sẽ nhờ người cho mày học tiếp, hoặc mày muốn làm cái mẹ gì đó thì làm. Tuyệt đối không được ở lại thành phố này nữa.” Vưu Yến không giải thích lý do càng làm cho con gái mình khó hiểu hơn. Làm cái mẹ gì là làm cái gì mới được? Tiếng anh thì bập bẹ được còn tiếng Pháp thì biết cái gì chứ?

 

“Tôi đã nói tôi không đi, bà nghe không hiểu sao?” Chưa nói hết câu, Kỳ Tâm đã bị mẹ mình tát cho một cái đau nhói, khuôn mặt nhỏ bé hiện nay in hằn lên năm dấu tay rất rõ. Bà ấy vừa khóc vừa nói: “Tao thiếu nợ xã hội đen, mày có tiền để trả không? Là tiền tỷ. Mấy triệu cho mày đi học tao còn phải đi mượn, bây giờ là tiền tỷ, mày có hiểu không con? Tụi nó mà bắt được tao thì tao chết, nhưng tiền vẫn thiếu thì mày nghĩ mày có sống yên ổn được không?”

 

Vưu Yến bất lực nói, nước mắt vẫn lăn dài trên mặt nhưng giọng nói vẫn rất kiên định: “Dù gì mày cũng là con tao, sang đó đi rồi tính. Còn nếu mày ở đây, nó có hãm hiếp hay bắt mày đi tiếp khách, thậm chí là giết mày thì tao có mười cái mạng cũng không có cứu nổi.”

 

Mặc dù bà ấy không hay quan tâm con cái nhưng ít nhất là khi hoạn nạn như vậy vẫn nhớ đến việc mình còn một người mẹ già và một đứa con gái tuổi mới lớn. Dù gì tương lai có học vẫn còn rộng mở hơn việc đi làm gái bị người đời chê cười khinh bỉ. Vưu Kỳ Tâm lúc này mới chịu im lặng, cuối cùng ước mơ vẫn bị dang dở một đoạn rồi… suy cho cùng, bọn họ không tin mình, lần cuối cũng chẳng thể gặp nhau nói lời từ biệt.

***

Tiểu Giai Thi Thi.