Màu hổ phách

Mà ngay lúc này, An Nhiên đứng khoanh tay bên cạnh cái lu đất đã cũ dùng để chứa nước, mắt nhìn chằm chằm phía đối diện, một bé gái tầm bảy hay tám tuổi người bản địa, mặc chiếc áo bị lấm từ phía cánh tay trái xuống đến tận lai áo phía dưới, để kiểu tóc tết sát da đầu điển hình của người Châu Phi. Con bé đang ôm chặt điện thoại của cô trên tay mà miệng thì cứ bập bẹ phát ra mấy từ tiếng Anh đơn giản không biết được ai dạy: “My phone, my phone.”

An Nhiên vừa lắc đầu vừa tiếng lại gần, đưa tay ra phía trước, giọng điệu có chút đanh thép: “Give it to me or I will call the police.” (Trả điện thoại lại cho chị, nếu không chị sẽ gọi cảnh sát.)

Ban đầu dường như không hiểu An Nhiên nói gì nhưng vừa nghe đến từ cảnh sát thì con bé phản ứng dữ dội hơn, toang chạy trốn. An Nhiên kịp giữ lại góc áo phía bên phải nhưng áo đã quá cũ, vừa cầm vào thì lai áo đã bị rách ra một đoạn gần bằng gang tay mới dừng lại. An Nhiên hơi sững người rồi tiếp tục đưa tay ra, giọng nói đều đều, bớt đi sự đanh thép như khi nảy, “Give it to me.”

“Rầm”. Bỗng nhiên con bé dùng hết sức đẩy thật mạnh An Nhiên về phía sau.

Tay An Nhiên cứa vào vách tường bị nứt bên cạnh đến rách da, rướm cả máu, điện thoại thì cũng bị con bé làm văn vào lu nước để rửa mặt ngay đó. An Nhiên thò tay nhặt điện thoại lên, thử bật nguồn lên nhưng màn hình vẫn một màu đen, chưa kịp đuổi theo đã thấy con bé đã quay lại với gương mặt sợ hãi, vừa đi vừa khóc nức nở. Một đôi tay có phần hơi thô và dày đang giữ chặt bả vai nó. Vừa ngước mắt lên thì An Nhiên như bị hút sâu vào người đối diện. Thân hình người quân nhân này chuẩn như tạc tượng, ít nhất phải cao hơn một mét tám, làn da màu đồng như phát sáng dưới ánh nắng. Nhưng lạ ở chỗ đôi màu hổ phách ấy là điểm khiến An Nhiên nhận ra anh ta không phải người thuần Á. Điềm tĩnh, hoang dại, khó thuần phục, đó chính là những từ ngữ hiện ra trong đầu An Nhiên khi nhìn quân nhân trước mặt.

Gia Hưng cũng nhận ra cái ánh mắt như đang ngắm nghía một tác phẩm trong phòng triển lãm của cô gái trước mặt, cũng bất ngờ với sự lộ liễu của cô. Không lẽ lối sống của sinh viên ở Việt Nam bây giờ đã phóng khoáng đến vậy. Anh hắng giọng: “Chuyện gì vậy?”

Suy nghĩ đột ngột bị cắt đứt, An Nhiên vội thu hồi tầm mắt, cũng có chút ngạc nhiên khi quân nhân đối diện lại là người Việt. Cô rất ít khi nhận xét vẻ bề ngoài của một người, đặc biệt là người khác giới. Chắc do quá nóng nên đầu óc nhất thời bị lệch khỏi quỹ đạo. Khuôn mặt An Nhiên bình thản, đôi mắt hạnh lại quay về vẻ xa cách vốn có, cứ như mọi việc chỉ do Gia Hưng tự tưởng tượng ra. “Con bé trộm điện thoại của tôi.”

Nhìn chiếc điện thoại ướt sũng cô đang cầm trong tay, để ý sẽ thấy ốp lưng còn dính máu loang đỏ một góc. Anh hỏi ý kiến An Nhiên: “Cô cảm thấy nên giải quyết như thế nào? “

Sinh viên đi tình nguyện tại châu lục nghèo nhất thế giới, xuống máy bay phải đứng đợi gần một tiếng, xong thì bị trộm điện thoại, tay còn bị thương. Hơn nữa nhìn An Nhiên không giống kiểu người dễ nói chuyện. Thật ra khi hỏi Gia Hưng đã nghĩ đến phương án sẽ phải làm việc với phía cảnh sát và gia đình đứa nhỏ.

An Nhiên ngồi xổm xuống đối diện với tên trộm nhí trước mặt, khẩu hình miệng lẩm nhẩm từ police, khi cô nói đến lần thứ ba thì con bé đã khóc òa lên. Gia Hưng vừa định nhắc đừng làm con bé quá hoảng sợ thì  An Nhiên đột nhiên ngước mặt lên hỏi: “Anh có thể nói tiếng địa phương không?”

Chưa đợi Gia Hưng lên tiếng, An Nhiên đã nói tiếp: “Giúp tôi hỏi con bé tại sao lại ăn trộm.”

Dường như nhận ra hai người trước mặt không có ý định bắt mình, con bé nín khóc dần, cúi mặt xuống, miệng thì nói câu gì đó An Nhiên không hiểu được. Cô nhếch môi, mới bây lớn mà xem nét mặt người khác cũng nhanh lắm. An Nhiên lại ngẩng mặt lên đợi Gia Hưng dịch lại. Ánh nắng vô tình rọi vào sườn mặt phía bên trái làm đường nét thanh thoát trên gương mặt An Nhiên hiện lên mồn một, chỉ là đôi mắt ấy vẫn có gì đó khiến người ta cảm thấy khó gần. Gia Hưng dời tầm mắt: “Con bé muốn trộm điện thoại đi đổi thức ăn.”

Ở đâu ra cái đạo lí điện thoại đổi thức ăn này chứ. An Nhiên nghĩ thầm một lúc rồi lục lọi trong ba lô đeo trên vai, lấy ra một con ấn nhỏ ấn xuống, một chữ Nhiên hiện ra giữa lòng bàn tay con bé, “Có dấu này rồi chỉ cần đi ăn trộm nữa thì sẽ có cảnh sát đến bắt ngay. Anh nói với nó như vậy.”

Gia Hưng hơi ngạc nhiên rút tay ra khỏi túi quần, cúi mặt nhìn xuống. Cách giải quyết này chẳng hề có chút ăn nhập gì với cái ánh mắt luôn tỏ vẻ lạnh nhạt, hờ hững của cô, nhưng không chừng sẽ có tác dụng. Nếu báo cảnh sát thì chưa chắc nhà con bé sẽ có tiền nộp phạt, bọn họ cũng chẳng dại gì mà rước thêm rắc rối vào người. Cô gái trước mặt này suy nghĩ thấu đáo hơn anh tưởng. Trong một khoảnh khắc nào đó, ánh mắt của Gia Hưng dừng lại trên gương mặt An Nhiên lâu hơn một chút.

An Nhiên có chút không hiểu, “Như vậy không được à?”

Gia Hưng lắc đầu, cũng ngồi xổm xuống đối diện con bé, cánh tay rắn chắc của anh vô tình chạm nhẹ vào khuỷu tay An Nhiên. Anh nói bằng tiếng địa phương, hình như nói còn nhiều hơn ý của cô. An Nhiên bĩu môi đứng lên, nói lí nhí trong miệng: “Làm như tôi không thấy anh nhìn tôi.”

Thật ra cả Gia Hưng và An Nhiên đều hiểu rằng, đối với một quốc gia nghèo như Vangas hay các quốc gia khác tại Châu Phi, nạn móc túi hay trộm cắp không phải là việc gì xa lạ. Dù bây giờ bọn họ làm lớn chuyện cũng không thể đảm bảo nó sẽ không xảy ra nữa. Những chính sách phù hợp từ phía chính quyền mới là yếu tố chủ chốt để giải quyết vấn đề này. Vì vậy, đơn phương giải quyết với phía gia đình đứa trẻ vẫn là phương án khả thi nhất.

 

Xong việc, cả hai cùng đi ra lại xe quân dụng đậu phía trước. An Nhiên nhìn quanh không thấy mọi người đâu. Quay sang định hỏi thì đã nghe người đằng sau nói: “Bọn họ đi xe khác đến đơn vị để kịp giờ tập trung. Va li của cô cũng được cô bạn gì đó mang đi rồi.”

An Nhiên cũng không có ý kiến gì, vô cùng tự nhiên mà ngồi vào ghế phụ lái. Gia Hưng đứng phía sau cũng theo lên xe.